Kiến trúc Nhà_thờ_Huyện_Sỹ

Tượng đài thánh tử đạo Mátthêu Lê Văn Gẫm

Nhà thờ có chiều dài 40 mét, chia làm 4 gian, rộng 18 mét. Thiết kế ban đầu của nhà thờ Huyện Sỹ gồm 5 gian, tức khoảng 50 mét. Nhưng thời gian đó, nhà thờ tạm Chí Hòa bị hư hại trầm trọng, vì vậy, giới chức trong họ đạo Chợ Đũi đã xin cắt bớt 1 gian, dùng số tiền đó để xây nhà thờ Chí Hòa. Nhà thờ Chí Hoà đến nay vẫn còn, được tôn tạo nhiều lần nên rất khang trang.

Nhà thờ Huyện Sỹ dùng đá hoa cương Biên Hòa để ốp mặt tiền và các cột chính điện, theo phong cách kiến trúc Gothic. Chính điện nhà thờ có vòm chịu lực dạng cung nhọn. Tường có nhiều cửa sổ dạng vòm đỉnh nhọn và được trang trí bằng lớp kính màu ghép hình mua từ Ý. Bên trong các gian tường có nhiều tượng thánh. Trên vòm cửa chính có tượng thánh Philípphê bổn mạng nhà thờ bằng đá cẩm thạch, đứng cầm cây thánh giá Phục sinh.

Tháp chuông nhà thờ Huyện Sỹ với chong chóng chỉ hướng gió hình con gà trống, một mô típ phổ biến trong kiến trúc châu Âu

Ngọn tháp chuông chính cao 57 mét kể cả chiều cao thánh giá và con gà trống Gaulois. Bên trong tháp có 4 quả chuông được đặt đúc tại Pháp năm 1905. Hai quả lớn có đường kính 1,05 mét do con trai và con dâu Huyện Sỹ là ông Gioan Baotixita Lê Phát Thanh và bà Anna Đỗ Thị Thao tặng. Hai quả chuông nhỏ đường kính 0,95 mét không ghi tên người tặng, có lẽ là của ông bà Huyện Sỹ đặt đúc cùng năm.

Huyện Sỹ qua đời năm 1900 khi nhà thờ chưa xây dựng xong. Về sau khi vợ ông là bà Huỳnh Thị Tài mất năm 1920, người ta mới đưa hai ông bà chôn ở gian chái sau cung thánh của nhà thờ này.

Tại gian chái bên trái là tượng bán thân ông Huyện Sỹ bằng thạch cao gắn cột đầu, phía sau là phần mộ bằng đá cẩm thạch được trang trí hoa văn. Trên mộ là tượng toàn thân ông Huyện Sỹ kê đầu trên hai chiếc gối bằng đá cẩm thạch được điêu khắc tinh xảo, đầu chít khăn đóng quay về cung thánh nhà thờ, mình mặc áo dài gấm hoa văn tinh xảo, hai tay đan vào nhau trước ngực, chân đi giày. Đối diện bên phải là tượng vợ ông là bà Huỳnh Thị Tài (1845-1920), với tóc búi, cũng dựa trên hai chiếc gối, hai tay nắm trước ngực, mặc áo dài gấm, chân mang hài. Phía trong cùng còn có tượng bán thân của con trai và con dâu ông bà là Gioan Baotixita Lê Phát Thanh (bên phải) và Anna Đỗ Thị Thao (bên trái).